0

Hiện chưa có sản phẩm

Tổng tiền:

TẠI SAO CON KHÔNG NGHE LỜI MẸ NÓI HẢ?

- Con là một đứa trẻ hư hỏng không biết vâng lời cha mẹ.

- Mẹ không cần một đứa con lì lợm giống như con.

Đó có phải là những câu nói hằng ngày mà các mẹ thường trách mắng con mình hay không? Những lời quát mắng bất lực, những lời than trách “con tôi bất trị rồi” phải chăng là sự bất lực trong việc dạy con của các bậc cha mẹ. Trẻ biết nghe lời chưa chắc đã là điều tốt, trẻ không nghe lời chắc chắn là có nguyên nhân. Rốt cuộc là vì sao? Có phải vì những nguyên nhân này không? Hãy đọc hết những lý do dưới đây để xem thử có cùng suy nghĩ với chúng tôi không nhé!

Phương pháp dạy trẻ sai lầm:

+ Quá nuông chiều trẻ: với tâm lý “con còn nhỏ có biết gì đâu”, các cha mẹ thường có xu hướng chiều lòng những yêu cầu của con hết mức dù vô lý, ngang ngược. Với cách sống thích gì được nấy, đến khi những yêu cầu không được đáp ứng, trẻ sẽ nổi đóa, thậm chí dọa lẫy và không vâng lời cha mẹ cho đến khi đạt được yêu cầu mới thôi.

+ Việc nuông chiều trẻ và cha mẹ làm hết cho con vì con còn nhỏ, con chưa biết làm, con làm hỏng hay mất thời gian sẽ tập cho trẻ quen dần với tính cách ỷ lại, chỉ chực chờ “cơm bưng nước rót”. Đồng nghĩa với việc cha mẹ cho con được quyền lười suy nghĩ, nhát hoạt động, và trẻ sẽ chẳng biết vâng lời khi cha mẹ dạy bảo hay hướng dẫn con làm một việc gì đấy.

+ La mắng và đánh đập khi con làm không đúng yêu cầu: đây là thói quen rất hay xảy ra của các cha mẹ dù đã cố gắng kiểm soát. Trẻ cũng có cái tôi, có lòng tự trọng như người lớn nên việc quát mắng, đánh đập của cha mẹ, nhất là điều này diễn ra trước mặt người khác – đồng nghĩa với việc lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương. Những trận đòn diễn ra liên tục khiến trẻ nảy sinh ra tâm lý phản kháng bằng cách phản ứng ngược hoặc tỏ thái độ lì lợm và trẻ trở nên bạo lực như cách cha mẹ đối xử với chúng.

+ Ép trẻ làm điều mình thích: Mỗi người đều có những cách suy nghĩ khác nhau, cha mẹ nghĩ thế này nhưng chưa chắc trẻ cũng nghĩ như vậy. Là cha mẹ, chúng ta nên đứng trên lập trường của con và suy nghĩ xem con đang thích những gì. Nếu cha mẹ bắt trẻ làm một việc mà cha mẹ cảm thấy thích thú, nhưng chúng lại nghĩ việc đó không nên làm, hoặc không biết làm thế nào thì có thể trẻ sẽ không làm. Nếu cha mẹ không chú ý đến mong muốn của con mà chỉ biết ra lệnh một cách đơn giản, thậm chí thô bạo, bắt trẻ làm việc chúng không thích thì trẻ sẽ phản kháng, sẽ không nghe lời. Dù chúng có miễn cưỡng làm thì cũng không có hiệu quả, như thế cha mẹ vẫn cảm thấy trẻ không nghe lời mình.

+ Quá khắt khe khi dạy con: điều này sẽ vô tình khiến trẻ cảm thấy áp lực và cuộc sống như bị tra tấn, nếu đến giai đoạn con không chịu nỗi áp lực, những cảm xúc đè nén của con sẽ bộc phát và con sẽ trở nên lầm lì và bướng bỉnh hơn.

+ Thiếu kiên nhẫn trong dạy con: Trẻ con hay có tính tò mò và hỏi những nhiều thứ con thắc mắc. Điều này sẽ khiến cha mẹ mất kiên nhẫn để trả lời trẻ và trở nên bực bội, cáu gắt. Những hành động tai hại nãy sẽ gây khó chịu với trẻ dẫn đến việc con không nghe lời cha mẹ nữa.

Cha mẹ không là tấm gương lắng nghe tốt: Con sẽ luôn quan sát các hành vi của cha mẹ và bắt bước các hành động của cha mẹ. Nếu con đang trò chuyện với cha mẹ nhưng bạn mãi dán mắt vào tivi, điện thoại, con sẽ cảm thấy những lời nói của mình không được chú ý và thừa thãi. Lâu dần, con sẽ bắt chước và cũng không quan tâm đến lời nói của cha mẹ.

Nói lúc con không chú ý: Đôi khi, con có vẻ phớt lờ bạn hay không lắng nghe điều cha mẹ nói vì trẻ đang vui chơi hoặc phân tâm vào một điều trẻ đang háo hức. Bất kỳ điều gì cha mẹ muốn nói với con, hãy chắc chắn là bé đang tập trung và sẵn sàng lắng nghe. Đây là điều đặc biệt đúng với trẻ nhỏ, vì các em dễ mất tập trung.

Cha mẹ nói quá nhiều: Một vấn đề mà cha mẹ nhắc đi nhắc lại sẽ gây cho trẻ cảm giác nhàm chán, đặc biệt việc nhắc lại mang giọng điệu đe dọa, ra uy sẽ càng dễ khiến con không nghe lời.
( Theo nguồn: BS Duy Cương)

Trẻ con rốt cuộc vẫn là trẻ con, việc chúng có nghe lời hay không có rất nhiều nguyên do khác nhau. Con nhỏ nhưng nhận thức , suy nghĩ không nhỏ, chỉ có cha mẹ gắn mác và ghim vào đầu con những điều đó thôi.

Xin các bậc cha mẹ hãy 1 lần lùi lại sau lưng con để quan sát, để nhìn ngắm, để lắng nghe con , hãy để tuổi thơ của mình được trở về, để thấu hiểu và yêu thương bản thân, từ đó mới có thể hiểu, đồng cảm và yêu thương con theo đúng nghĩa được!