0

Hiện chưa có sản phẩm

Tổng tiền:

CÁCH DẠY MỘT ĐỨA TRẺ BƯỚNG BỈNH,CÁ TÍNH

Thật ra, một đứa trẻ bướng bỉnh không phải vì bản thân nó muốn như thế, mà vì nó là một đứa trẻ thông minh, mạnh mẽ, can đảm và không phải lúc nào cũng muốn nghe theo người khác. Đứa trẻ bướng bỉnh sẽ có chính kiến, quan điểm và lập trường riêng của mình, chủ động, độc lập trong suy nghĩ và hành động, do đó, chúng sẽ có thể chịu được áp lực cao và theo đuổi những mong muốn của bản thân mình quyết liệt nhất. Vì vậy, đứa trẻ bướng bỉnh có tố chất của một người rất thành công trong công việc và cuộc sống.
Nếu bạn có một đứa con bướng bỉnh, điều đầu tiên bạn cần làm là BỎ QUA NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT, thay đổi quan điểm và cách nhìn, tự đặt mình vào vị trí của con để hành xử, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
- Đầu tiên, việc bắt con vâng lời hay ngoan ngoãn không phải là một việc xứng đáng để con bạn phải phấn đấu. Bởi vì, có phải bạn muốn con sẽ trưởng thành, tự lập và có thể đưa ra những quyết định quan trọng của cuộc đời mình không? Nếu vậy, tại sao khi con đưa ra mong muốn, quan điểm thì ba mẹ lại dập tắt mong muốn đó, hay chính ba mẹ đang áp đặt con để chúng làm theo ý mình?
Để con vâng lời, ba mẹ cần làm cho chúng tin tưởng bằng chính tình yêu thương từ đáy lòng, sự đồng cảm, chia sẻ và thấu hiểu thông qua việc trao đổi và thảo luận chứ không phải từ uy quyền của bậc làm cha mẹ. Ba mẹ phải thực sự thể hiện để con cảm nhận được điều này một cách sâu sắc chứ không được làm qua loa, cho có.
Ba mẹ cần tôn trọng những mong muốn và lựa chọn của con, không bắt ép và áp đặt. Ngoài những trường hợp ảnh hưởng đến sự an toàn của con như con phải nắm tay mẹ khi đi qua đường, cầm dao hoặc chơi với lửa… thì cha mẹ không nên can thiệp vào quyết định của trẻ. Quần áo có thể xộc xệch, tóc có thể ngắn hoặc sole, giày dép có thể không phù hợp nhưng tính cách và khả năng ra quyết định của con lại được phát huy, ba mẹ chọn điều gì?
Thay đổi cách nói chuyện với trẻ. Thay vì dùng những lời lẽ khó chịu hoặc không rõ nghĩa thì ba mẹ dùng ngôn từ tích cực, thể hiện sự tôn trọng đối với trẻ: Thay vì nói: “đừng la hét nữa” thì hãy nói: “Mẹ rất thích nghe con nói nhẹ nhàng nên con nói nhỏ thôi nhé”. Hoặc thay vì: “Con phải nắm tay mẹ khi qua đường” thì hãy là “Con nắm tay và dẫn mẹ qua đường nhé”.
- Khi con muốn xem ti vi và sắp đến giờ đi ngủ, mẹ sẽ đưa cho con lựa chọn: “Con muốn đi ngủ bây giờ hay 10 phút nữa?” Bé sẽ dễ dàng chấp nhận hơn câu: “Con tắt tivi và đi ngủ ngay”. Thay vì quát trẻ: “Đừng lèo nhèo” hay “Đừng hỗn láo” thì hãy nhìn sâu vào mắt trẻ và hỏi “Con bình tĩnh và nói cho mẹ nghe con muốn điều gì nào?”.
Đừng bao giờ nói với trẻ là: “Ba mẹ sẽ không yêu con nếu con không vâng lời” mà hãy nói rằng: “Ba mẹ luôn yêu con nhưng con cần tôn trọng chị hai bằng cách xin phép chị khi mượn đồ chơi của chị nhé”.
Ngày thường, ba mẹ đừng quát mắng mà luôn rất kiên nhẫn, nhẹ nhàng với con. Nhưng khi con làm bị thương chính mình và người khác hoặc mắc những lỗi nghiêm trọng, ba mẹ cần nghiêm khắc nhìn thẳng vào mắt con và nói cho con biết điều con làm là không đúng. Ba mẹ cần mắng con thật nghiêm khắc để con biết sự khác biệt so với ngày thường để bé sợ và không tái phạm nữa.
- Với những bạn bướng bỉnh, ba mẹ cần cân bằng sự mạnh mẽ của con bằng tình yêu thương. Sau mỗi lần con giúp ba mẹ làm việc gì, hãy đến ôm con và thì thầm vào tai con: “Cảm ơn “tên con” của mẹ đã giúp mẹ làm việc nhà, con đã làm rất tốt. Con luôn tốt bụng, vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Mẹ yêu con”. Đặc biệt, việc này phải được làm một cách thật chú tâm, để con cảm nhận được tình yêu và niềm vui của ba mẹ truyền vào cái ôm đó. Điều này thúc đẩy bé thường xuyên làm điều tốt để mang lại hạnh phúc cho ba mẹ.
Mỗi em bé đều có những điểm đặc biệt đáng yêu riêng, hãy tôn trọng điều đó và giúp con phát huy tốt nhất tố chất của chúng. Đó chính là sứ mệnh thiêng liêng của bậc làm cha mẹ.

Nguồn: Sưu tầm.